BBT: Màu sắc có thể ảnh hưởng tới con người, điển hình bằng sự “nắm bắt” nhanh lẹ trong việc ứng dụng khoa học màu sắc trong bán hàng, giúp các công ty điều khiển về xu hướng hành vi tiêu dùng của khách hàng, thậm chí trở thành cả một nguồn cảm hứng và yếu tố cạnh tranh mới cho các công ty. Bên cạnh đó, màu sắc và hình ảnh còn giúp kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ em từ lứa tuổi mầm non, thâm chí là khi còn rất nhỏ. Vậy, nếu chúng ta ứng dụng màu sắc như một chất xúc tác trong quá trình học tiếng Anh thì sẽ như thế nào? Cùng Action English và bạn Phương Anh tìm hiểu về việc ứng dụng này qua bài viết sau nhé!
Tôi đang đọc quyển sách The Little Book of Colour của tác giả Karen Haller (Tựa tiếng Việt: Liệu pháp tâm lí: Ứng dụng màu sắc thay đổi cuộc sống) và được mở mang rất nhiều về ý nghĩa và chức năng của màu sắc trong cuộc sống xung quanh ta. Từ việc muốn giới thiệu những ý niệm mà tác giả Karen Haller muốn truyền tải, tôi đã tìm hiểu một chút về các khái niệm màu sắc và nảy ra ý tưởng về việc kết hợp chúng vào trong lớp học tiếng Anh của mình.
Nếu như đối với người lớn chúng ta, màu sắc chỉ là một công cụ, thì với các em học sinh tuổi nhỏ đến thanh thiếu niên, màu sắc là cả thế giới quan của các em. Các em dễ dàng liên hệ với những màu sắc thông qua cảm xúc, kí ức, sự tưởng tượng, tương quan logic, v..v.. Vì vậy, những bài học liên quan màu sắc có thể thu hút các em hơn và mở ra nhiều cánh cửa để các em tự học, tự nghiên cứu. Sau đây là vài cách để chúng ta đề cập đến màu sắc trong bối cảnh dạy-học tiếng Anh:
Table of Contents
Tên của các màu sắc
Trong tiếng Việt, chúng ta thường có những từ ngữ thể hiện những sắc thái màu khác nhau, ví dụ như xanh lá mạ, xanh chuối, xanh vỏ chanh, v..v.. Tương tự, trong tiếng Anh, có muôn vàn tên gọi cho các sắc độ khác nhau, và hầu hết là dựa theo màu đặc trưng của các yếu tố trong thiên nhiên, ví dụ màu egg shell (vỏ trứng), flamingo (hồng hạc), seafoam (bọt biển), charcoal (than chì), v..v.. Hãy xem thêm những tên màu chi tiết hơn tại đây hoặc đây.
Bạn có để ý thấy điều gì không? Các màu sắc trong tiếng Anh dường như đa dạng hơn rất nhiều so với vốn từ tiếng Việt chúng ta. Vậy thì việc dạy tên tiếng Anh của các màu sắc sẽ giúp học sinh khám phá thêm nhiều màu sắc, gọi tên được nhiều đồ vật, yếu tố tự nhiên hơn – cực kì phù hợp khi bạn dạy từ vựng về chủ đề thiên nhiên.
Bạn cũng có thể tạo một hoạt động cho học sinh lựa chọn một màu sắc trên một đồ vật mà chúng yêu quý rồi đặt tên mới cho màu đó, giúp khơi gợi được những câu chuyện thú vị từ học sinh trong các hoạt động nói.
Lý thuyết màu sắc
Đừng chạy mất dép khi đọc đến đây nhé. Bạn không cần biến lớp học tiếng Anh của mình trở thành một lớp mỹ thuật, hội họa. Tôi đang muốn gợi ý rằng bạn hãy giới thiệu một số lý thuyết màu sắc cơ bản đến học sinh, ví dụ Color wheel (vòng tròn màu sắc) là gì, làm thế nào để pha ra được màu xanh lá từ xanh dương và vàng, v..v… Bằng cách này, bạn có thể thu hút được những học sinh có đam mê hội họa – tuy ít nhưng là một phương án thay đổi cách dạy quen thuộc của mình.
Bạn có thể nhờ tới những tờ handout trong pinterest hoặc các video hướng dẫn trên youtube. Một công đôi việc, bạn còn có thể dạy các em những cấu trúc câu hay từ bổ ích trong những handout và video đó nữa.
Thành ngữ có liên quan màu sắc
Thật ra đây là một trong những cách thông thường mà giáo viên dùng khi muốn đưa màu sắc vào bài giảng của mình. Cũng dễ hiểu thôi, các thành ngữ này thường rất dễ nhớ vì màu sắc làm tăng thêm tính hình tượng của chúng, ví dụ như “see red” có nghĩa là giận điên lên – học sinh dễ dàng liên tưởng hình ảnh một người tức giận đến nỗi đôi mắt đỏ ngầu. Bên cạnh đó, một màu sắc thường biểu thị một trường nghĩa nhất định, ví dụ green nói về thiên nhiên, red như lời cảnh báo cho những gì nguy hiểm, tiêu cực, và black thì lại bí ẩn. Điều này giúp học sinh dễ hiểu, nhớ, và ứng dụng những thành ngữ được học trong cuộc sống.
Màu sắc trong ghi chép, lập bản đồ tư duy
Hãy gợi ý cho học sinh sử dụng các màu khác nhau để phân loại các kiến thức khác nhau, ví dụ màu xanh cho động từ, màu đỏ cho danh từ, màu vàng cho tính từ, v..v.. Hoặc màu đỏ cho từ mới, màu đen cho phần giải nghĩa, và màu xanh cho phần ví dụ. Ngoài ra, hãy khuyến khích học sinh lập bản đồ tư duy cho các bài thuyết trình, dàn ý bài viết bằng các màu sắc để phân loại và đánh giá các ý tưởng.
Thoạt nghe thì có vẻ thật rườm rà, nhưng thật ra cách làm này khiến học sinh trở nên chuyên tâm và hứng thú hơn trong việc ghi chú bài học và phân biệt rõ ràng tính chất của kiến thức. Một lợi ích phụ nữa là học sinh có thể dễ dàng tra cứu và hệ thống kiến thức sau một thời gian dài.
Bạn có thể đọc thêm nghiên cứu chỉ ra lợi ích của việc ghi chú bằng màu sắc đối với hiệu quả lưu giữ kiến thức: Colour in Learning: It’s Effect on the Retention Rate of Graduate Students
Màu sắc và các phương diện cảm xúc, tâm trạng
Đây là phần chính trong cuốn sách của Karen Haller. Cô dành phần lớn thời lượng để nói về cách mà mỗi màu sắc mang lại một sắc thái cảm xúc khác nhau, ví dụ màu vàng mang cảm giác tươi mới, sảng khoái, trong khi màu đỏ có thể gây căng thẳng. Điều này giúp ta có thể điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh để cải thiện tinh thần trong cuộc sống. Bên cạnh Karen Haller, đã có những nghiên cứu khác về sự ảnh hưởng giữa màu sắc và tâm trạng khi học. Ví dụ như trong The Psychology of Color: How Do Colors Influence Learning?, tác giả tổng hợp các nghiên cứu và đưa ra 3 nguyên lí chính: màu xanh lá giúp tăng sự tập trung và hiệu quả học; màu cam giúp tăng mood, tạo sự thoải mái và hỗ trợ hoạt động của não bộ; màu xanh dương tăng cường hiệu quả học tập nhưng sẽ gây cảm giác xa cách, rời rạc nếu dùng quá nhiều. Cuối cùng, tác giả chỉ ra phương án tối ưu là dùng màu xanh để ghi chú và dùng một ít màu cam để chấm phá đôi chỗ, ví dụ như highlight từ khóa.
Ý nghĩa cảm xúc của các màu sắc như thế có thể cho bạn những gợi ý về cách trang trí phòng học, chọn phông màu powerpoint, và chọn dụng cụ minh họa để có thể kích thích tâm trạng học tập của học sinh và đồng thời giảm thiểu sự căng thẳng, buồn chán thường thấy ở một lớp học.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dạy cho học sinh về các ý nghĩa cảm xúc này. Trong sách của Karen Haller có một bài test trắc nghiệm về hành vi, tính cách để ghép với một trong 4 tông màu phù hợp (tương ứng với tông màu Xuân, Hạ, Thu Đông). Bạn có thể cho học sinh làm bài test này (hoặc một bài tương tự ở trang web Thecolorofmypersonality.com) và cho các em phỏng vấn nhau về kết quả của mình. Thông qua đó bạn sẽ chỉ ra những từ vựng về tính cách, sở thích. Bài học này sẽ thật dễ nhớ vì như đã nhắc đến, màu sắc luôn khơi gợi sự liên tưởng hình tượng. Hoặc hãy cho các em xem những thước phim hoạt hình ngắn và đặt những câu hỏi suy luận về cảm xúc thông qua màu sắc của bối cảnh, đồ vật, trang phục trong phim v..v.. Nếu bí ý tưởng, hãy tìm đến bộ phim kinh điển về mối tương quan này – Inside Out.
Tôi chắc chắn các hoạt động này sẽ xốc dậy tinh thần của lớp bạn và khiến bạn trở nên thật phá cách và thú vị trong mắt học sinh của mình. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về cách ứng dụng màu sắc trong cuộc sống nói chung và những kiến thức hay ho về màu sắc nói riêng thì đừng quên cập nhật trang blog của tác giả Karen Haller nhé.